Cuộn xuống để đọc bài viết
Example 325x300
Tin Tức Xe

Những nỗi sợ vô hình với xe Trung Quốc của người Việt, bạn có mấy điểm giống số này?

8
×

Những nỗi sợ vô hình với xe Trung Quốc của người Việt, bạn có mấy điểm giống số này?

Share this article

Một thập kỷ trở lại đây, các hãng xe Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam. Khởi đầu từ 2014, Kylin-GX668 trở thành nhà phân phối chính thức của Haima (M3, S5, S7) và Geely (EC7, GX7). Sau này, Haima và Geely đổi nhà phân phối, cùng sự xuất hiện của các thương hiệu mới như BYD, AION, GAC, Omoda & Jaeco, Haval, Wuling, Lynk & Co, MG…

Những nỗi sợ vô hình với xe Trung Quốc của người Việt, bạn có mấy điểm giống số này?- Ảnh 1.

So với Lifan, Chery giai đoạn 2005-2010, những thương hiệu Trung Quốc gia nhập thị trường Việt Nam bài bản hơn. Họ thiết lập hệ thống showroom, xưởng dịch vụ rộng khắp, xây dựng nhà máy lắp ráp ngay tại Việt Nam, cùng chất lượng, thiết kế sản phẩm đã được cải thiện. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, sự e dè của người tiêu dùng Việt với các mẫu xe đến từ quốc gia này vẫn còn tồn tại. Những nỗi lo phổ biến xoay quanh vấn đề chất lượng, tính thanh khoản và khả năng thực thi cam kết hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

Chất lượng gây tranh cãi

Tháng 10/2024, J.D. Power, công ty phân tích dữ liệu và thấu hiểu người tiêu dùng, công bố Nghiên cứu về độ tin cậy của ô tô tại Trung Quốc năm 2024. Theo đó, số lượng vấn đề đã tăng lên 190 PPI, tức trung bình cứ 100 xe gặp 190 vấn đề. So với năm trước, kết quả tăng 9,3 điểm. Trong khi đó, các vấn đề liên quan đến thiết kế tăng chóng mặt, từ 9,1 PP100 lên 84 PP100.

Nghiên cứu này bao gồm cả thương hiệu nước ngoài và nội địa Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu nước ngoài như Porsche, BMW, Ford, Toyota đều đứng nửa trên, còn các thương hiệu nội địa như Haval, Wuling, MG… chủ yếu nằm dưới mức trung bình.

Những nỗi sợ vô hình với xe Trung Quốc của người Việt, bạn có mấy điểm giống số này?- Ảnh 2.

Ông Elvis Yang, Tổng giám đốc mảng Thực hành Sản phẩm Ô tô tại J.D. Power Trung Quốc, cho biết: “Những năm gần đây, tốc độ ra mắt xe mới tại Trung quốc đã tăng nhanh và chu kỳ phát triển liên tục rút ngắn. Việc cân bằng tốc độ ra mắt xe mới và độ tin cậy, độ bền của sản phẩm sẽ là một thách thức lớn trong dài hạn đối với các nhà sản xuất ô tô. Đặc biệt là khi các thương hiệu ô tô Trung Quốc dần thâm nhập thị trường quốc tế. Sự tin cậy về lâu dài của sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến giá trị bán lại và doanh số bán hàng tại các thị trường nước ngoài”.

Tại Việt Nam, những mẫu xe mang thương hiệu Chery, Lifan, Haima vẫn để lại “hình ảnh xấu” về chất lượng ô tô Trung Quốc trong tâm trí người tiêu dùng, khi nhanh xuống cấp sau một thời gian sử dụng. Trong khi đó, nhiều mẫu xe Hàn, Nhật, Mỹ cùng thời vẫn hoạt động tốt đến tận ngày nay. Các mẫu xe Trung Quốc đời mới đã cải thiện nhiều về chất lượng, nhưng vẫn cần thêm nhiều năm nữa để thuyết phục được số đông.

Sợ rời bỏ khách hàng

Nỗi sợ này không vô hình. Không ít thương hiệu ô tô Trung Quốc sớm rời bỏ thị trường Việt Nam trong thời gian ngắn, đẩy khách hàng đang sử dụng xe vào cảnh “bơ vơ”, lo lắng về bảo dưỡng, sửa chữa.

Kylin-GX668, từng là nhà phân phối xe Trung Quốc hàng đầu Việt Nam, sau thành công của Zotye, Beijing, Hongqi cũng nhanh chóng tạm dừng hoạt động và đóng mã số thuế. Hay gần đây nhất là AION. Hãng đóng cửa showroom duy nhất ở Việt Nam dù mới khai trương được 3 tháng. 

Những nỗi sợ vô hình với xe Trung Quốc của người Việt, bạn có mấy điểm giống số này?- Ảnh 3.

Có một thực tế là, dù tiềm lực thương hiệu lớn đến đâu cũng khó thoát khỏi quy luật thị trường. Doanh số ảm đạm trong thời gian dài khiến nhà phân phối, đại lý khó gồng gánh chi phí hoạt động. Việc rút lui sẽ là điều tất yếu. Trong bối cảnh các xe Trung Quốc chưa được đón nhận mạnh mẽ tại Việt Nam như hiện nay, phía hãng rất khó hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

Sợ thanh khoản kém

Nỗi lo về chất lượng, sợ hãng rời bỏ khách hàng, cộng với những đợt giá giảm sâu khiến giá xe Trung Quốc tụt dốc nhanh trên thị trường thứ cấp. Điển hình như MG5 MT đời 2024, đăng ký biển số Hà Nội, hiện có giá quanh mốc 300-310 triệu đồng. Tức mất giá khoảng 33% chỉ sau 1 năm sử dụng. Tình trạng này còn thấy ở Zotye Z8 hay BAIC Q7 do Kylin-GX668 đã ngừng phân phối những dòng xe này tại Việt Nam.

Những nỗi sợ vô hình với xe Trung Quốc của người Việt, bạn có mấy điểm giống số này?- Ảnh 4.

Sợ ảnh hưởng hình ảnh cá nhân

Đối với người Việt, ô tô không đơn thuần là phương tiện đi lại, mà còn là phương tiện ngoại giao với họ hàng, bạn bè, đối tác, khách hàng. Chiếc xe họ sử dụng sẽ tự kể với người đối diện rằng họ là ai. Xe Trung Quốc chưa bao giờ là lựa chọn hàng đầu cho điều này.

Hiện tại, các mẫu xe Trung Quốc thành công tại Việt Nam chủ yếu nằm ở khoảng giá dưới 500 triệu đồng. Đây là mức giá hợp lý để người dùng sẵn sàng chấp nhận rủi ro, hoặc tối ưu cho mục đích kinh doanh dịch vụ. 

Trong khi với những mẫu xe Trung Quốc trên 500 triệu đồng, sức bán nhỏ giọt, chủ yếu được ưa chuộng bởi nhóm khách hàng dư dả tài chính, đã có ô tô, muốn tìm trải nghiệm mới, hoặc cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc sống, làm việc và kinh doanh tại Việt Nam.