Cuộn xuống để đọc bài viết
Example 325x300
Tin Tức Xe

Ngành ô tô đối mặt với cú sốc 100 tỷ USD vì đòn thuế quan của Trump

5
×

Ngành ô tô đối mặt với cú sốc 100 tỷ USD vì đòn thuế quan của Trump

Share this article

Dù đã rút lại một số mức thuế đối với các quốc gia khác, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn giữ nguyên mức thuế 25% áp lên ô tô nhập khẩu, một động thái được cho là có thể tạo ra hệ lụy nghiêm trọng kéo dài đối với ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Theo báo cáo từ Boston Consulting Group (BCG) và Trung tâm Nghiên cứu Ô tô (CAR), tổng thiệt hại mà ngành công nghiệp ô tô có thể gánh chịu do chính sách thuế này ước tính vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Riêng tại Mỹ, các hãng sản xuất ô tô được dự báo sẽ phải chịu thêm 107,7 tỷ USD chi phí, trong đó ba ông lớn của ngành là Ford, General Motors và Stellantis chiếm hơn 41,9 tỷ USD.

Không chỉ ảnh hưởng đến các dòng xe nhập khẩu, mức thuế mới dự kiến áp dụng từ ngày 3/5 tới đối với linh kiện ô tô cũng sẽ gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng và sản xuất trong nước. Ước tính, giá bán lẻ của xe mới tại Mỹ có thể tăng trung bình từ 2.000 đến 4.000 USD trong vòng 6 đến 12 tháng tới, theo phân tích từ Goldman Sachs.

oto.jpg

Ông Felix Stellmaszek, người đứng đầu mảng ô tô toàn cầu của BCG, nhận định rằng ngành công nghiệp ô tô đang chứng kiến một sự thay đổi mang tính cấu trúc do chính sách điều tiết tạo ra, và sự thay đổi này sẽ buộc toàn ngành phải định hình lại cách thức sản xuất, tổ chức chuỗi cung ứng và xác định lại thị trường mục tiêu. Đây có thể là một trong những năm mang tính bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử ngành ô tô.

Tác động dễ nhận thấy nhất chính là việc giá xe tăng mạnh trên toàn thị trường, trong khi lãi suất vay mua xe tại Mỹ vẫn ở mức rất cao — trên 9,6% với xe mới và gần 15% với xe cũ. Thêm vào đó, các mức thuế sắt thép và nhôm được ban hành trước đó cũng góp phần khiến giá thành xe đội thêm khoảng 300 đến 500 USD mỗi chiếc. Ước tính của Cox Automotive cho thấy xe nhập khẩu có thể tăng giá tới 6.000 USD, trong khi các mẫu xe sản xuất trong nước cũng không thoát khỏi tình trạng này với mức tăng khoảng 3.600 USD do chi phí linh kiện đội lên.

Ông Jonathan Smoke, Kinh tế trưởng của Cox Automotive, cho biết tình hình hiện tại sẽ khiến các hãng xe buộc phải giảm dần mức ưu đãi, đồng thời đẩy nhanh lộ trình tăng giá trên hầu hết các dòng xe mới. Ông cũng dự báo rằng về lâu dài, sản lượng và doanh số sẽ sụt giảm, giá xe đã qua sử dụng tăng mạnh và một số dòng xe không còn đủ lợi nhuận có thể sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi danh mục sản phẩm.

Trên thực tế, tâm lý tiêu dùng tại Mỹ đã có dấu hiệu suy yếu rõ rệt. Theo khảo sát mới nhất của Đại học Michigan, kỳ vọng lạm phát trong tháng 4 đã lên mức cao nhất kể từ năm 1981, phản ánh sự bất an đang lan rộng trong người dân về chi phí sinh hoạt và khả năng chi tiêu.

Một số hãng xe đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp ứng phó tạm thời. Ford và Stellantis lựa chọn triển khai các chương trình ưu đãi theo dạng “giá nhân viên” để giữ chân khách hàng, trong khi Jaguar Land Rover quyết định tạm dừng xuất khẩu sang Mỹ để né tránh chi phí tăng cao. Hãng xe Hàn Quốc Hyundai thì tuyên bố sẽ giữ nguyên giá trong ít nhất hai tháng tới nhằm xoa dịu tâm lý lo lắng của người mua.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Sam Abuelsamid từ Telemetry, phần lớn các hãng chỉ có thể cầm cự trong ngắn hạn. Nguồn cung xe chưa bị ảnh hưởng bởi thuế có thể cạn sau khoảng hai tháng, và khi đó làn sóng tăng giá trên diện rộng sẽ bắt đầu lan ra toàn thị trường. Telemetry cũng dự báo rằng doanh số bán xe tại Mỹ và Canada có thể giảm đến 2 triệu xe mỗi năm, kéo theo tác động lan tỏa đáng kể tới nền kinh tế nói chung.

Thuế 25% của Trump rõ ràng không chỉ đơn thuần là một công cụ điều chỉnh thương mại. Đây là một cú đánh chiến lược, mang hàm ý địa chính trị sâu sắc, nhưng cũng đặt cả ngành công nghiệp ô tô vào thế khó. Trong bối cảnh giá xe leo thang, niềm tin tiêu dùng đi xuống và áp lực chi phí ngày càng lớn, các hãng xe và người tiêu dùng toàn cầu có lẽ sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho một thời kỳ “hậu thuế quan” đầy thử thách.

Theo CNBC