Giữa những áp lực ngày càng gia tăng về môi trường, hạ tầng và xu hướng toàn cầu hóa phương tiện xanh, ba lối đi đang dần hình thành: tiếp tục dùng xe xăng, chuyển sang xe điện hoặc thúc đẩy mạnh mẽ giao thông công cộng. Sự lựa chọn này không chỉ thuộc về người tiêu dùng mà còn đòi hỏi những hành động dứt khoát từ phía chính quyền và doanh nghiệp.
Những năm gần đây, thị trường xe điện tại Việt Nam đã bắt đầu sôi động. Các thương hiệu nội địa như VinFast, Pega, Dat Bike, cùng với những tên tuổi quốc tế như Honda, liên tục giới thiệu các mẫu xe máy điện mới.
Đồng thời, ô tô điện và hybrid như VinFast VF e34, VF8, Toyota Corolla Cross hay Honda HR-V e:HEV cũng xuất hiện ngày một nhiều trên đường phố. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ quan tâm đến chi phí vận hành hay giá thành mà còn bị hấp dẫn bởi các chính sách ưu đãi thuế phí và tâm lý “sống xanh, sống hiện đại” đang lan rộng trong giới trẻ.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này vẫn vấp phải những rào cản không nhỏ. Cơ sở hạ tầng trạm sạc chưa được phát triển đồng đều, đặc biệt tại các tỉnh thành ngoài Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra, người dùng vẫn còn lo ngại về độ bền, độ an toàn và chi phí đầu tư ban đầu cao của xe điện. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ vẫn ở mức thử nghiệm, chưa đủ sức tạo nên bước ngoặt lớn.
TP. Hà Nội từng có kế hoạch cấm xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030. Dù mục tiêu là giảm ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm không khí, song lộ trình thực hiện đang vấp phải nhiều phản đối từ người dân. Với mạng lưới giao thông công cộng còn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại hàng ngày, người dân vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào xe máy cá nhân. Cùng với đó là tâm lý e ngại thay đổi, nhất là khi phương tiện thay thế chưa thực sự “sẵn sàng”.
Trong bối cảnh này, xe máy điện đang nổi lên như một giải pháp trung gian hợp lý. Không cần trạm xăng, có thể sạc tại nhà, giá thành ngày càng rẻ và phù hợp với nhu cầu di chuyển gần. Xe máy điện đang giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn với xu hướng điện hóa. Thế nhưng, nếu không được kiểm soát tốt, việc tràn lan các mẫu xe kém chất lượng, nguy cơ cháy nổ và rác thải pin sẽ trở thành bài toán môi trường và an toàn mới trong tương lai.
Ở phân khúc cao hơn, ô tô điện đòi hỏi nhiều hơn về mặt chính sách và hạ tầng. Mặc dù VinFast, Hyundai, Toyota, Honda đã đồng loạt ra mắt nhiều mẫu xe điện và hybrid, tuy nhiên, thị trường vẫn chưa thực sự bùng nổ. Giá bán vẫn còn cao so với thu nhập trung bình, trong khi lo ngại về tuổi thọ pin, chi phí bảo dưỡng và hệ thống sạc còn thiếu hụt khiến người tiêu dùng chưa sẵn sàng “xuống tiền”. Sự thành công của ô tô điện trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự chủ động của Nhà nước: từ ưu đãi thuế, đến đầu tư mạng lưới sạc dày đặc và đồng bộ.
Và cuối cùng, dù các phương tiện cá nhân đang thay đổi nhanh chóng, bài toán gốc của giao thông đô thị Việt Nam vẫn là giao thông công cộng. Các dự án metro ở Hà Nội và TP.HCM liên tục trễ hẹn, trong khi xe buýt, dù đã có thêm lựa chọn xe điện như VinBus nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn để thay thế xe cá nhân. Muốn người dân bỏ xe máy, ô tô, trước tiên họ phải có một lựa chọn tiện lợi và đáng tin cậy hơn.
Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng của ngành giao thông. Xe điện và hybrid rõ ràng là xu hướng không thể đảo ngược, nhưng không thể chỉ trông chờ vào công nghệ. Xe máy có thể không biến mất, nhưng chắc chắn sẽ phải biến đổi để phù hợp với thời đại. Trong khi đó, giao thông công cộng cần được “hồi sinh” như một giải pháp căn cơ cho bài toán đô thị.
TH (Tuoitrethudo)