
Vào cuối tháng 4 này, Mercedes-Benz đã chia sẻ một số dự án đang được họ hoàn thiện với hy vọng có thể cải tiến hơn nữa xe điện nói riêng và ô tô nói chung trong tương lai.
Đầu tiên và cũng đáng chú ý nhất trong danh sách là “sơn mặt trời” – một cấu trúc mới đã được hãng thử nghiệm trong một thời gian dài. Cấu trúc của Mercedes-Benz phát triển về cơ bản là một dạng tấm thu năng lượng mặt trời mỏng với kỳ vọng đủ mỏng và bền để có thể sử dụng như một lớp phủ sơn trên ô tô.

Theo Mercedes-Benz, trong điều kiện tối ưu, lớp phủ quang điện này có thể hấp thụ năng lượng mặt trời và truyền về hệ thống một lượng đủ để xe vận hành thêm 14.000 km mỗi năm. Nếu chia đều cho 365 ngày, mỗi ngày lớp sơn trên có thể giúp người dùng vận hành xe 40 km “miễn phí” ở điều kiện lý tưởng.
Tiếp đến, Mercedes-Benz đang nghiên cứu một bộ chuyển đổi vi mô có thể lập trình được với kích thước đủ nhỏ để lắp đặt ở cấp độ tế bào pin nhỏ. Trang bị này cho phép phần mềm xe có thể điều khiển từng tế bào pin riêng lẻ, qua đó hỗ trợ tối ưu khả năng sạc, tăng độ bền tổng và giảm tiêu thụ năng lượng dư thừa qua đó mang lại tầm vận hành tốt hơn.

Công nghệ kế tiếp mà Mercedes-Benz nhắm tới là phanh… không nằm tại bánh xe. Thay vào đó, hãng tập trung nghiên cứu phanh tích hợp thẳng vào hộp số nơi thường đặt mô-tơ điện trên xe điện hóa. Hệ thống này, nếu hoàn thiện, “gần như không bị hao mòn và không cần bảo dưỡng nhiều”. Thêm vào đó, hệ thống không rỉ sét, không xả thải và cũng không gây nhiều tiếng ồn.

Cuối cùng, hãng xe Đức đang hợp tác với đại học Waterloo của Canada về mảng điện toán mô phỏng não người. Hãng kỳ vọng có thể tái tạo cách con người suy nghĩ trên thuật toán hỗ trợ AI, qua đó “làm cho các phép tính của AI nhanh và tiết kiệm năng lượng hơn”. Ngoài ra, AI cũng nhờ vậy có thể nhanh chóng nhận dạng biển báo, xe khác hay làn đường để đưa ra cách xử lý tối ưu.